Về Hòn Đá Bạc, nơi ghi dấu kế hoạch phản gián CM12 nổi tiếng
Hòn Đá Bạc cách đất liền không xa, vẫn giữ được nét độc đáo vừa hiện đại vừa hoang sơ, lưu giữ nhiều câu chuyện nổi tiếng, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Hòn Đá Bạc nằm cách đất liền khoảng 500m, có diện tích hơn 6,3ha, thuộc địa phận xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Điểm này cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 50km về phía Tây bán đảo Cà Mau.
Hòn Đá Bạc bao gồm Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Bạc, Hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50m so với mặt nước biển.
Trên hòn có tượng 2 con rồng uốn lượn được làm bằng bê tông cốt thép chắc chắn tạo thành công trình như cánh cổng vào khu vực chính của hòn.
Điểm nổi bật dễ nhận thấy của Hòn Đá Bạc là xung quanh có rất nhiều đá (loại đá granit) đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau tạo thành nhiều hình dáng, thu hút du khách đứng, ngồi chụp ảnh.
Cũng tại đây quân dân Khánh Bình Tây đã phối hợp với lực lượng chủ lực vây bức rút Trung đội pháo (2 khẩu 105 ly) thuộc Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 của Ngụy vào tháng 12/1971, buộc địch phải rút chạy. Chiến thắng này góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch, giải phóng Hòn Đá Bạc.
Đặc biệt, từ tháng 9/1981 đến tháng 9/1984, Công an nhân dân Việt Nam đã thực hiện thành công kế hoạch phản gián CM12 (chuyên án CM12), đấu tranh với tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam", do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ta đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập với 189 tên gián điệp biệt kích, 143 lượt tàu của địch, thu 3.679 khẩu súng các loại, 90 tấn đạn, 1.200kg thuốc nổ, 14 tấn tiền giả...
Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng tượng đài chiến thắng CM12, nhà truyền thống lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến chuyên án CM12 trên Hòn Đá Bạc.
Trên Hòn Đá Bạc còn có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu về cuộc đời của Người.
Mặc dù được xây dựng nhiều công trình nhưng Hòn Đá Bạc vẫn còn giữ lại thảm thực vật tự nhiên thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo. Vì thế, không gian của hòn vừa hiện đại vừa hoang sơ vốn có.
Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Hòn Đá Bạc là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Mỗi năm, rất đông du khách đến hòn để tham quan, tìm hiểu về những câu chuyện nổi tiếng như chuyên án CM12, cá Ông.
Nguồn Dân trí