Những "hình mẫu" trẻ em dễ trở thành mục tiêu bị bắt nạt
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành mục tiêu của hành vi bắt nạt, ngay cả khi chúng là những đứa trẻ mạnh mẽ, học giỏi và nổi tiếng.
Có nhiều lý do khiến trẻ con đi học bị bạn bè bắt nạt và sự thật thì bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành mục tiêu của hành vi bắt nạt, ngay cả những đứa trẻ mạnh mẽ, yêu thể thao, học giỏi và nổi tiếng ở trường.
Tuy nhiên, có một số đặc điểm nhất định ở một số đứa trẻ làm tăng khả năng chúng bị bắt nạt. Điều quan trọng mà bố mẹ cần lưu ý là không nên cố gắng thay đổi đặc điểm tính cách của con chỉ để tránh cho con bị bắt nạt.
Bắt nạt là sai lầm của kẻ bắt nạt, không phải là lỗi lầm hay khiếm khuyết của con bạn. Trách nhiệm về việc bắt nạt thuộc về kẻ bắt nạt chứ không phải nạn nhân.
Dưới đây là một số "hình mẫu" trẻ em dễ trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt:
Đứa trẻ thành công
Những đứa trẻ giỏi một lĩnh vực gì đó có thể sẽ bị bắt nạt. Rất nhiều đứa trẻ bị bắt nạt vì chúng nhận được nhiều sự quan tâm tích cực từ bạn cùng lứa tuổi và từ người lớn. Ví như chúng xuất sắc trong thể thao, là thành viên đội cổ vũ hoặc viết cho tờ báo của trường.
Những kẻ bắt nạt nhắm mục tiêu vào những học sinh này vì họ cảm thấy kém cỏi hoặc họ lo lắng rằng khả năng của họ đang bị lu mờ bởi "đối thủ". Do đó, họ bắt nạt những đứa trẻ này với hy vọng khiến chúng cảm thấy bất an cũng như khiến người khác nghi ngờ khả năng của chúng.
Thông minh, quyết tâm, sáng tạo
Ở trường, những học sinh này làm bài rất nhanh và chuyển qua các dự án và bài tập khác. Học sinh có năng khiếu thường được nhắm đến vì chúng đạt thành tích xuất sắc ở trường. Những kẻ bắt nạt gây sự chỉ vì họ ghen tị với nạn nhân.
Dễ bị tổn thương
Những đứa trẻ sống nội tâm, hay lo lắng, dễ phục tùng thường hay bị bắt nạt hơn những đứa trẻ hướng ngoại và quyết đoán.
Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu cho rằng những đứa trẻ thiếu tự tin thường thu hút sự chú ý của những đứa trẻ thích bắt nạt bạn bè. Hơn nữa, những đứa trẻ làm hài lòng mọi người thường là mục tiêu của những kẻ bắt nạt vì dễ thao túng.
Một nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ bị trầm cảm hoặc căng thẳng, lo âu cũng có thể dễ bị bắt nạt hơn và điều này thường làm cho tình trạng của đứa trẻ đó tồi tệ hơn. Hầu hết những kẻ bắt nạt muốn cảm thấy mình mạnh mẽ, vì vậy họ thường chọn những đứa trẻ yếu hơn.
Những đứa trẻ tách biệt
Nhiều nạn nhân của hành vi bắt nạt có ít bạn bè so với những đứa trẻ không bị bắt nạt. Họ có thể bị bạn bè từ chối, bị loại khỏi các sự kiện xã hội và thậm chí có thể phải ăn bữa trưa và chơi trong giờ giải lao một mình.
Trong hoàn cảnh này, cha mẹ và giáo viên có thể ngăn chặn sự bắt nạt bằng cách giúp các em phát triển các mối quan hệ bè. Những người ngoài cuộc cũng có thể hỗ trợ những học sinh này bằng cách kết bạn với họ.
Nghiên cứu cho thấy rằng nếu một đứa trẻ có ít nhất một người bạn, khả năng bị bắt nạt của chúng sẽ giảm đáng kể. Nếu không có bạn bè hỗ trợ, những đứa trẻ này có nhiều khả năng trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt vì chúng không phải lo lắng về việc ai đó sẽ đến hỗ trợ nạn nhân.
Nổi tiếng
Đôi khi những kẻ bắt nạt nhắm vào những đứa trẻ nổi tiếng hoặc được yêu thích vì mối đe dọa mà chúng gây ra cho kẻ bắt nạt.
Nhiều mối quan hệ gây hấn có liên quan trực tiếp đến nỗ lực leo lên những nấc thang cao hơn của xã hội. Những kẻ bắt nạt sẽ tung tin đồn, đe dọa trực tuyến để phá hủy sự nổi tiếng, làm mất uy tín của nạn nhân và khiến họ ít được yêu mến hơn.
Ngoại hình khác biệt
Những đứa trẻ có đặc điểm ngoại hình khác biệt hoặc độc đáo đều có thể thu hút sự chú ý của những kẻ bắt nạt. Ví dụ một học sinh quá thấp bé hoặc gầy gò, béo phì, mặt có mụn... Kẻ bắt nạt sẽ nhắm vào đó và bóp méo hình ảnh của mục tiêu.
Kiểu bắt nạt này cực kỳ đau đớn và gây tổn hại đến sự tự tin của trẻ. Hầu hết những kẻ bắt nạt nhắm vào những đứa trẻ này đều thấy thích thú từ việc chế giễu người khác.
Trẻ bị bệnh hoặc khuyết tật
Những kẻ bắt nạt cũng thích nhắm vào những trẻ em đặc biệt, ví dụ trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, hội chứng Asperger, tăng động giảm chú ý, chứng khó đọc, hội chứng Down.
Những đứa trẻ bị dị ứng thực phẩm, hen suyễn và các bệnh khác cũng có thể là mục tiêu của những kẻ bắt nạt. Những kẻ bắt nạt thể hiện sự thiếu đồng cảm hoặc đùa cợt trước tình trạng sức khỏe của nạn nhân.
Điều rất quan trọng là giáo viên và phụ huynh phải đảm bảo rằng những đứa trẻ đặc biệt này có một nhóm hỗ trợ để bảo vệ trẻ khỏi bị bắt nạt. Nếu những kẻ bắt nạt biết đây là điều cấm kỵ, chúng sẽ ít làm điều đó hơn.
Trẻ có giới tính đặc biệt
Một số học sinh bị bắt nạt vì là người đồng tính. Nếu không được kiểm soát, hành vi bắt nạt này có thể dẫn đến tội ác nghiêm trọng. Do đó, điều cần thiết là các học sinh đồng tính, song tính, chuyển giới... phải được cung cấp một mạng lưới hỗ trợ vững chắc để giữ an toàn cho các em.
Tín ngưỡng tôn giáo hoặc văn hóa
Không hiếm trẻ em bị bắt nạt vì niềm tin tôn giáo của chúng. Bắt nạt dựa trên niềm tin tôn giáo thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết cũng như thiếu lòng khoan dung để tin vào điều gì đó khác biệt.
Chủng tộc
Đôi khi những đứa trẻ sẽ bắt nạt người khác do khác biệt chủng tộc. Ví dụ, học sinh da trắng có thể bắt nạt học sinh da đen và da vàng.
Cũng giống như bắt nạt tôn giáo, những nạn nhân này bị bạn bè "đàn áp" không vì lý do gì khác ngoài thực tế là chúng khác biệt.
Bắt nạt là việc làm xấu và cần phải lên án. Điều quan trọng là sự thật này phải được truyền đạt cho các nạn nhân của hành vi bắt nạt. Trẻ em bị bắt nạt cần được nhắc nhở rằng chúng không có gì sai và không đáng trách.
Là người đứng ngoài cuộc, bạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi bắt nạt. Nếu bạn biết rằng một đứa trẻ đang bị bắt nạt, hãy liên hệ, báo cáo vấn đề với giáo viên, cố vấn trường học hoặc hiệu trưởng của trường học đó.
Nếu hành vi bắt nạt diễn ra trực tuyến, bố mẹ hãy hướng dẫn con cách tránh xa những hành vi xấu trên mạng và báo cáo các hành vi vi phạm.