Mặt trái của trào lưu cắm trại
Bùng nổ trong đại dịch, trào lưu cắm trại đang lộ những bất cập như ô nhiễm môi trường, thiếu an toàn và trải nghiệm ảo.
Nguyễn Hà My (31 tuổi, Hà Nội) là giáo viên tiếng Anh. Cả gia đình My gồm 4 thành viên, đều mê cắm trại. Trong hai năm dịch, cắm trại là hoạt động đã giúp cả nhà gắn kết nhau và gắn kết nhiều hơn với thiên nhiên. Con trai cả của My, từ một đứa trẻ nhút nhát đã hoạt bát, chủ động trò chuyện, đặt câu hỏi về các hiện tượng thiên nhiên... cũng nhờ cắm trại. Tuy nhiên, dù có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị, My thừa nhận trào lưu cắm trại đang tồn tại nhiều rủi ro, thiếu an toàn. Càng đông người tham gia, càng nảy sinh vấn đề, trong khi chưa có một đơn vị nào quản lý chuyên nghiệp.
Ô nhiễm môi trường và tiếng ồn
Nhiều tháng nay, hoạt động cắm trại tự phát bùng nổ ở hồ Dầu Tiếng (xã Định Thành, Bình Dương). Du khách đến đây được mời chào thuê lều trại giá từ 300.000 đến 500.000 đồng. Các điểm du lịch có dịch vụ đi cano, chèo thuyền, câu cá, chụp ảnh... hoặc tự mang lều, chọn bãi đất trống để cắm.
Hàng tuần có hàng trăm người tới đây. Họ xả rác quanh hồ, dưới mặt hồ, nước thải sinh hoạt không được qua xử lý, các công trình trái phép phục vụ cắm trại mọc lên gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân xã Định Thành.
Minh Tâm (30 tuổi, Nha Trang) là thành viên hội nghiện cắm trại, từng làm chủ một đơn vị cung cấp dịch vụ camping. Trong một lần cắm trại bên một bờ biển ở Nha Trang, anh và nhóm bạn đã phải ở lại để dọn dẹp hộ trại bên cạnh. "Họ đi về và để lại một đống rác, toàn cốc giấy nhựa, túi nilon, vụn thức ăn... Nếu không dọn, chỉ cần một cơn sóng, tất cả sẽ bị cuốn trôi và nổi lềnh bềnh trên mặt biển", Tâm kể.
Khu vực ven sông Bôi (huyện Kim Bôi, Hoà Bình) cũng xuất hiện nhiều bè nổi trên mặt sông, và dịch vụ cho thuê bãi cắm trại tự phát. Anh Tiến Dũng (34 tuổi) một du khách địa phương, đã có trải nghiệm không vui ở đây. "Phần lớn các đoàn khách đều thuê loa thùng và bật tối đa công suất. Họ hát hò, thi với các trại khác xem bên nào to hơn. Tôi đã không thể ngủ trưa và không có một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa", anh Dũng nói.
"Giá như người ta đừng hát karaoke ầm ĩ ở những khu trại thì tốt", Minh Tâm cũng cho hay khi kể về một lần trải nghiệm khác. Anh nói thêm rằng hoạt động cắm trại về bản chất là một hình thức đưa con người trở về gần thiên nhiên, thường diễn ra ở những khu vực trống, có phong cảnh đẹp, gần bờ sông, bãi biển, trên bãi cỏ... nên chỉ cần một hành động thiếu ý thức nhỏ của các trại viên cũng có thể gây tác động xấu.
Nguy cơ mất an toàn
An ninh của khu cắm trại luôn là vấn đề lớn. Bùng phát tự do nên ở một số khu vực, nạn trộm cắp xảy ra phổ biến. Quá đông người lạ trong khi thiết kế của lều trại thường không có khoá, chất liệu vải, dù, dễ rạch.
"Những chỗ đông người như chân cầu Vĩnh Tuy rất khó kiểm soát đồ dùng cá nhân. Còn những chỗ vắng người, gia đình mình đến thì luôn có người tới xin tiền", Hà My cho biết.
Ngoài ra, khi cắm trại ngoài trời, các trại viên cũng phải đối diện với những rủi ro về thời tiết, thiên nhiên như sạt lở đất, sóng to, gió lớn lật tung lều. Những khu vực không có sóng điện thoại như hang Táu (Mộc Châu, Sơn La) khi gặp sự cố rất khó để tìm kiếm sự trợ giúp.
Anh Trần Quang Tú, 38 tuổi, đang kinh doanh dịch vụ cắm trại ở Cao Bằng, cho biết, việc xem dự báo thời tiết và xác định địa hình rất quan trọng. Không nên cắm trại quá gần bờ sông, suối, mép biển vì khi mưa gió bất ngờ đến, lũ quét, sạt lở không kịp trở tay. Ngoài ra, khi cắm trại trên núi, đồi cao nên tránh các gốc cây vì dễ hút sấm, sét.
Trải nghiệm ảo
Khi trào lưu cắm trại bùng nổ, có thể nhìn thấy rõ hai nhóm người: nhóm đi cắm trại để hòa mình cùng thiên nhiên, vui chơi cùng bạn bè, và nhóm đi chỉ để chụp ảnh, cho mọi người thấy mình không bỏ lỡ trào lưu.
Việc chụp ảnh không sai, vì ai cũng muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong chuyến đi. "Mình từng chứng kiến những người không tham gia vào hoạt động dựng trại, dọn đồ ăn, sắp xếp đồ dùng, dọn dẹp... mà chỉ đợi chụp ảnh và check in để đăng Facebook rồi 'cắm đầu' vào điện thoại đợi đếm like", Minh Tâm kể.
Ngoài ra, trong quá trình mở dịch vụ cắm trại, một số khách hàng của Tâm chia sẻ rằng họ từng rơi vào những "trải nghiệm ảo" trong việc mua sắm đồ cắm trại. Ai gợi ý gì mua đồ đó, thấy hội trại khác có bộ bàn ghế di động 8 triệu, họ cũng chi. Trong khi, những người đó không hiểu rõ tính năng, không biết thương hiệu, thậm chí mua về không bao giờ dùng đến. Chỉ khi đã ngốn gần 100 triệu cho những món đồ không mang lại lợi ích thực sự, họ mới nhận ra những nhu cầu này không có thật.
Với kinh nghiệm cá nhân, để giải quyết một phần những vấn đề trên, Minh Tâm gợi ý mọi người nên mang theo bát đũa, xoong nồi và những vật dụng có thể tái sử dụng. Kết thúc ngày, đồ dùng cất gọn mang về, rác thải trong quá trình sinh hoạt dồn vào một túi lớn, cầm theo đến khi gặp thùng rác mới vứt.
Anh cũng cho hay với những trại viên chỉ thỉnh thoảng đi vài chuyến đổi gió không cần mua sắm gì mà nên thuê. Đồ camping cơ bản giá thuê tương đối rẻ, chỉ từ 200.000 đến 400.000 đồng cho nhóm bốn người. Với người muốn chơi chuyên nghiệp, có điều kiện kinh tế, nên tìm hiểu kỹ các thương hiệu và định vị nhu cầu của bản thân. Không phải lúc nào đồ đắt tiền cũng tốt. Có thể mua dần món đồ tầm trung đến cao cấp...
Trào lưu cắm trại ở Việt Nam phổ biến khoảng 3 năm nay khi nhiều hội nhóm mới được thành lập, với số lượng thành viên lớn như Rủ nhau Cắm trại (hơn 173.000 người), Hội camping Việt Nam (31.000), Hội cắm trại - dã ngoại Hà Nội (gần 74.000)... Khi không thể đi du lịch do dịch bệnh, họ buộc phải tìm kiếm những trải nghiệm ở những nơi gần thiên nhiên, ít tiếp xúc. Đến nay, trào lưu này đang trở thành một xu hướng du lịch, ngày càng được nâng cấp với những trải nghiệm sang trọng, đắt tiền.
Nguồn: vnexpress