Hàng xôi lá sen đắt khách nhất TPHCM, có tiền cũng khó mua
Hơn 10 năm qua, quán xôi lá sen tại chợ Phạm Văn Hai vẫn luôn tấp nập khách từ sáng sớm. Quán không có biển hiệu, nằm ở không gian chưa tới 10m2 nhưng mỗi ngày hàng trăm khách xếp hàng để mua.
Chỉ 2 tiếng đã bán hết
6h sáng, người dân đứng xếp hàng rồng rắn trước số 35 Ngô Thị Thu Minh (quận Tân Bình, TPHCM) khi xe xôi của gia đình bà Phạm Bích Hạnh chỉ mới đi tới đầu đường.
Tranh thủ dọn hàng để bán cho những vị thực khách đầu tiên, bà Hạnh (52 tuổi) không kịp nghỉ tay dù chỉ mới mở hàng.
"Cho thêm 3 xôi xéo, 1 xôi cốm, 2 xôi bắp đầy đủ nữa đi" - giọng của khách hàng cứ nườm nượp hối thúc, khiến chủ tiệm xôi phải đẩy nhanh tiến độ.
Quán không có biển hiệu, nằm ở không gian chưa tới 10m2. Ông bà chủ chỉ bố trí một vài chiếc bàn nhựa dùng để đặt thúng xôi có màu vàng ngà, nóng hổi, nghi ngút khói. Các nguyên liệu cũng được bày trí gọn gàng, sao cho người bán dễ dàng gói xôi nhanh nhất.
Khách ăn ở đây đa phần là mối quen, đã ăn từ lúc gia đình bà mới lập nghiệp đến giờ. Nhưng cũng có những người chủ yếu đến ăn thử do quán quá nổi tiếng trên mạng xã hội.
Dù đông khách cỡ nào, chủ quán cũng thoăn thoắt, hoàn thành một gói xôi chỉ trong vài phút.
"Trước đây quán còn giao hàng, thậm chí chuyển về các tỉnh thành khác nhưng những năm qua thì không làm như vậy nữa. Vì khách đến mua quá đông, chúng tôi có nấu nhiều hơn cũng sẽ bán hết trong buổi sáng", bà Hạnh nói.
Mỗi ngày, gia đình bà Hạnh nấu hết khoảng 20kg gạo nếp, 15kg bắp và 3 kg cốm. Những ngày rằm, bà Hạnh phải tăng số lượng lên 30kg gạo vì người dân ăn chay nhiều.
Xôi được chia làm ba loại: Xéo, cốm, bắp, phối hợp với các nguyên liệu khác khiến cho món ăn thêm tròn vị hơn.
Món ăn được người dân ưa chuộng bởi nấu chuẩn bị xôi miền Bắc. Hạt nếp nấu vàng đều, bóng, để tới trưa vẫn giữ được độ mềm, dẻo.
Tùy theo thực khách muốn ăn vị mặn hay ngọt, chủ tiệm sẽ cân nhắc chọn gia vị là chà bông, chả lụa, hành phi,… hoặc đường, dừa. Cả hai vị đều không thể thiếu được sự "góp mặt" của đậu xanh.
Trong khi xôi xéo là món được ưa chuộng nhất thì xôi cốm cũng không kém cạnh. Cốm được nấu từ nếp loại tốt, kết hợp với đậu xanh rồi trộn chung với dừa. Mùi hương của loại xôi này là thơm nhất, bởi hạt nếp có màu xanh tươi, nấu vừa lửa thành ra không quá ngọt mà rất dễ ăn.
Đặc biệt, xôi ở đây không bỏ vào hộp mang đi mà được gói bằng lá sen có màu xanh sẫm, tươi mới. Bà chủ tiệm xôi cho hay, lá sen vừa giúp giữ nhiệt và dẻo xôi, vừa có hương vị thơm của thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.
Để lâu một chút, vị đắng của sen hòa vào xôi, khiến hương vị hòa lẫn vào nhau, tạo nên món ăn "thượng vị" khó tả. Người ăn nhiều lúc nhận xét cả tuổi thơ hiện ngay trong đầu, khi đầu lưỡi nếm thử vị xôi Bắc trứ danh.
Trung bình cứ mỗi 5 ngày, bà Hạnh lại nhập về hơn 2.000 lá sen từ các tỉnh Đồng Tháp, Long An,… rồi chọn những lá tươi nhất để gói xôi.
Bán đông khách là vậy nhưng hàng xôi này chỉ "lấy công làm lãi", bởi nguyên liệu hầu như là "nhà làm".
Dù vật giá leo thang, chủ quán vẫn giữ mức 12.000 đồng cho xôi ngọt, xôi mặn 15.000 đồng, xôi có chả 20.000 đồng suốt nhiều năm qua. Vậy nên, có nhiều người đã là "bạn hàng ruột" suốt chục năm, đi cả đoạn đường 5-6km để đến mua xôi.
"Tôi ăn ở đây từ lúc còn đi học, nay đã đi làm rồi. Sáng nào cũng ghé mua một gói hết, vì xa quê mà thèm xôi, chỉ có ở đây là nấu chuẩn vị nhất.
Ông bà chủ lại dễ thương, hay tiếp chuyện với khách nên tôi rất thích. Hôm nào ăn không hết đem về nhà hấp lại, lá sen làm cho xôi thơm hơn nữa", chị (Ngọc Hà, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ.
Một người khách bước ra, lại có 2, 3 người khác đi vào, ông bà chủ phải thốt lên, đùa rằng: "Sáng nào cũng tra tấn thế đây, nhưng miễn sao có tiền", khiến cho nhiều thực khách cũng cười theo. Cứ thế, ông bà chủ cứ liền tay tới gần 9h, xe xôi đã bán hết.
Yêu Sài Gòn mất rồi!
Năm 2011, gia đình bà Hạnh từ Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp. Trước đó, truyền thống nhà chồng bà cũng đã từng bán món xôi xéo này, nhưng khác ở chỗ là gói bằng lá bàng non hoặc lá chuối cắt nhỏ. Từ một công chức nhà nước, chồng bà Hạnh bỏ nghề để nối nghiệp mẹ bán xôi vỉa hè. Nghe bạn bè nói ở TPHCM dễ kiếm tiền, đời sống lại gần gũi, gia đình bà Hạnh cùng nhau Nam tiến, mở hàng xôi bán đến giờ.
"Nghỉ văn phòng đi bán thế này, bạn bè ngoài đó mỉa mai dữ lắm. Nhưng kể từ khi vào Nam thì thoải mái hơn, mọi người suy nghĩ cũng thoáng. Người ta chỉ bận tâm kiếm tiền thôi, bản thân làm gì cũng được tôn trọng", chồng bà Hạnh bộc bạch.
Mỗi ngày, bất kể ngày lễ, bà Hạnh và chồng con cùng dậy lúc 3h sáng để chuẩn bị nguyên liệu dọn hàng. Đúng 6h30, cả nhà lại có mặt tại điểm bán để phục vụ cho những người khách lạ, quen. Sau đó, vừa bán hết thì gia đình bà Hạnh về nhà nghỉ ngơi, rồi lại tiếp tục chuẩn bị nguyên liệu cho ngày mai tới nửa đêm.
"Nhà tôi tự làm hết, không mua đồ làm sẵn ở ngoài, kể cả hành cũng tự bóc lấy. Ngày nào cũng làm 16, 17 tiếng. Nhà tôi không chạy theo số lượng mà quan trọng chất lượng hơn, ấy vậy mà người ta vẫn cứ kéo ùn ùn đến", bà Hạnh cười, nói.
Dù khách mua đông cỡ nào, các thành viên trong gia đình vẫn cố nhớ nhanh yêu cầu, niềm nở tiếp chuyện để thực khách không buồn phiền. Tuy vậy, với bản tính thẳng thắn, trân trọng thành quả lao động, đôi lúc vợ chồng bà Hạnh từ chối phục vụ những khách cố ý chen hàng, có ý muốn "phá".
"Chúng tôi tôn trọng từng khách hàng, vì người trong Nam họ dễ thương lắm. Nhưng đặc biệt nếu ai gây rối, chen lấn khiến những người đến trước không mua được, tôi thẳng thừng mời họ về ngay. Những lúc như vậy thì các khách khác họ cũng hiểu, rồi thông cảm cho mình thôi", bà Hạnh tâm sự.
Vào TPHCM đến nay đã 10 năm, bà Hạnh chia sẻ, dù cuộc sống lao động có vất vả, nhưng "lỡ" yêu nơi này mất rồi, chưa có ý định quay về quê hương.
Theo bà chủ tiệm xôi, thời gian đầu khó tìm chỗ bán, gia đình bà phải chuyển chỗ vài lần. May mắn tìm được chỗ ưng ý ở khu chợ Phạm Văn Hai, bà cũng được nhiều tiểu thương xung quanh ưu ái, hỗ trợ, hỏi thăm qua lại khi nhìn thấy gia đình đẩy chiếc xe chở xôi ra.
"Nghe danh đã lâu, nhưng vào đây mới thấm thía câu nói "người Sài Gòn mến nhau lắm". Nhiều lúc tôi cũng thử tập nói vài câu tiếng Nam, chỉ vậy thôi mà người ta tỏ ra thích thú, tỏ ra cảm mến ngay.
Không phải vì kinh doanh tốt mà chưa về quê, mà là do quá thương Sài Gòn", chủ hàng xôi lá sen trải lòng.
Nguồn: Dân trí