Độc đáo cuộc thi nấu mâm cỗ truyền thống kết hợp hiện đại ở Hà Nội
Trong khuôn khổ "Lễ hội xuân, lễ hội văn hóa ẩm thực mùa xuân 2023", cuộc thi "Ẩm thực mùa Xuân - Đảo ngọc Ngũ Xã 2023" đã thu hút sự tham gia của 8 nhà hàng nổi tiếng, mang đến những mâm cỗ độc đáo.
Sáng 5/2 (tức 15 tháng Giêng), Đảng ủy, UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) cùng Ban quản lý khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ "Đảo ngọc Ngũ Xã" đã tổ chức chương trình "Lễ hội xuân, lễ hội văn hóa ẩm thực mùa xuân 2023".
Trong khuôn khổ lễ hội, cuộc thi "Ẩm thực mùa Xuân - Đảo ngọc Ngũ Xã 2023" đã thu hút sự tham gia của 8 nhà hàng nổi tiếng trên địa bàn phường Trúc Bạch, quận Ba Đình và TP Hà Nội.
8 nhà hàng tham dự cuộc thi gồm: Nhà hàng 1946, nhà hàng phở cuốn Hương Mai, nhà hàng phở cuốn Vinh Phong, nhà hàng phở cuốn 31, nhà hàng Sơn Ca, nhà hàng bò tơ quán mộc, nhà hàng lẩu tôm sen đào và nhà hàng lẩu ếch 72 Phó Đức Chính.
Mỗi đội thi sẽ nấu một mâm cỗ truyền thống với những món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, để dâng lên Đức Thánh tổ nghề Đúc đồng Ngũ Xã.
Các đội thi có thể sáng tạo hoặc trang trí mâm cỗ theo lối hiện đại, tối thiểu 7 món, tối đa 10 món.
Ngoài những món ăn truyền thống trên mâm cỗ, các nhà hàng đã đem đến những món ăn đặc trưng làm nên thương hiệu như phở cuốn, thịt ếch, thịt bò,...
Từ 8h, đại diện các đội thi tập trung tại đình Ngũ Xã sửa soạn mâm cỗ.
Ban giám khảo cuộc thi gồm các chuyên gia ẩm thực, văn hóa, lịch sử, như: Nhà sử học Dương Trung Quốc, đầu bếp Võ Quốc (Đại sứ ẩm thực Việt Nam - danh hiệu do Hiệp hội đầu bếp Thế giới trao tặng năm 2012; Hiệu trưởng học viện ẩm thực Pháp - Việt); Nhà báo Hoàng Đinh Linh (Phó tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam); đầu bếp Lê Quốc Định (chuyên gia ẩm thực, đại diện thương hiệu Ajinomoto Việt Nam, Giảng viên học viện ẩm thực Pháp - Việt) và bà Lê Mai Hương (Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch).
Đại diện các nhà hàng lần lượt thuyết trình về mâm cỗ.
Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch mong muốn cuộc thi "Ẩm thực mùa Xuân - Đảo ngọc Ngũ Xã 2023" là sân chơi, không gian giao lưu thường niên, nơi du khách trong và ngoài nước sẽ được tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Việt Nam.
"Chúng tôi kỳ vọng các đội thi mang đến những mâm cỗ truyền thống vừa thể hiện giá trị lịch sử, vừa kế thừa những nét văn hóa hiện đại. Thông qua cuộc thi, du khách, nhất là người trẻ, sẽ tìm về nguồn cội, hiểu được giá trị truyền thống", ông Huy nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét 8 nhà hàng đều mang đến những mâm cỗ đa dạng và đẹp mắt, đồng thời cố gắng tìm kiếm nét riêng biệt của mình thông qua món ăn đặc trưng.
Theo ông, chính sự đa dạng này sẽ tạo điều kiện cho UBND phường Trúc Bạch quy hoạch, phân bổ món ăn tại phố đi bộ, từ đó tạo sự khác biệt, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đầu bếp Võ Quốc đánh giá cao cuộc thi vừa quảng bá ẩm thực, vừa mang đến nhiều giá trị văn hóa. Theo ông, mỗi vùng miền, thậm chí mỗi gia đình có những tiêu chí khác nhau để làm nên một mâm cỗ. Điều này thể hiện rõ tại cuộc thi khi mà các mâm cỗ đều mang những nét riêng biệt, các đội thi "ngang tài ngang sức".
Sau cuộc thi, ba giải chuyên đề đã được trao cho nhà hàng lẩu ếch (mâm cỗ sáng tạo), nhà hàng Sơn Ca (món gà ấn tượng nhất) và nhà hàng Bò tơ quán mộc (món bò ấn tượng nhất).
Giải ba thuộc về nhà hàng phở cuốn Vinh Phong và nhà hàng lẩu tôm sen đào.
Giải nhì thuộc về nhà hàng phở cuốn Hương Mai.
Bà Nguyễn Tuyết Mai, chủ chuỗi nhà hàng phở cuốn Hương Mai, cho biết mâm cỗ kết hợp giữa món ăn cổ truyền (chim quay, yến xào, nem, canh bóng) và hiện đại (phở cuốn, phở chiên phồng).
Nhà hàng phở cuốn 31 dành giải nhất với mâm cỗ đa dạng.
Giải xuất sắc được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao nhất thuộc về nhà hàng 1946 với mâm cỗ gồm các món: dưa cải trộn, đậu phụ, chả rươi, cơm cháy kho quẹt, rau tiến vua, ốc, canh măng mực, lẩu riêu.
Nguồn: Dân trí