Ba lần thi vẫn trượt, giáo dục thể chất trở thành nỗi ám ảnh của sinh viên
Giáo dục thể chất đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên đại học. Nhiều sinh viên thậm chí còn sợ thi giáo dục thể chất hơn những môn chính trong chương trình học.
Thi ba lần vẫn trượt giáo dục thể chất
Câu chuyện thi trượt giáo dục thể chất đã không còn quá xa lạ với nhiều sinh viên. Với nhiều bạn, việc học đi học lại, thi đi thi lại môn học này đã trở thành "chuyện thường ở huyện".
Bạn Đ.H.P (21 tuổi, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ: "Với mình, những môn học chuyên ngành còn dễ hơn giáo dục thể chất. Môn giáo dục thể chất ở trường được chia làm nhiều tín chỉ và gồm nhiều hoạt động như chạy bền, bóng rổ, thể dục nhịp điệu… Trong số đó, mình bị ám ảnh với môn chạy bền.
Từ nhỏ, sức khỏe của mình đã yếu ớt nên việc chạy 100m trong vòng mười mấy giây dường như là một việc quá sức với mình. Ngay cả khi mình tập chạy chăm chỉ thì mình vẫn không thể đạt được thành tích đó, mà chỉ cần không đạt là trượt.
Đến nay, mình đã trượt môn chạy bền ba lần và đang đăng ký học lại lần thứ tư. Điều này không chỉ tốn thời gian và tiền bạc mà còn khiến lịch học của mình bị gián đoạn. Trong khi các bạn sinh viên năm thứ tư khác đang dành thời gian thực tập, nghiên cứu khóa luận thì mình lại ở đây tập chạy".
Trên thực tế, nhiều trường đại học đang yêu cầu cao ở sinh viên trong môn học giáo dục thể chất. Sinh viên phải vừa thành thạo kỹ thuật lại vừa kiểm soát được tốc độ - điều mà không phải ai cũng làm được.
"Mình chỉ mong nhà trường có thể xem xét đưa ra những khung điểm, yêu cầu khác nhau cho những sinh viên có thể chất khác nhau bởi có người có thể lực tốt nhưng cũng có người thể lực yếu. Nếu bắt ai cũng phải đạt được một thành tích giống nhau thì thực sự không công bằng", bạn Đ.H.P chia sẻ.
Mất học bổng vì trượt môn giáo dục thể chất
Với bạn P.T.L.H (22 tuổi, Hà Nội), chuyện trượt giáo dục thể chất không đơn giản chỉ là trượt một môn học mà còn là đánh mất cơ hội đạt thành tích cao trong học tập.
H. cho biết: "Kỳ học trước, mình đã mất học bổng chỉ vì trượt môn bóng rổ. Mặc dù tất cả các môn học còn lại mình đều đạt điểm cao nhưng vì trượt thể dục, mình nghiễm nhiên bị loại khỏi danh sách xét học bổng của lớp.
Điều này đã làm mình rất buồn trong một khoảng thời gian dài sau đó. Mình vừa tự trách bản thân tại sao lại không cố gắng hơn khi thi thể dục, vừa cảm thấy bất lực vì sức khỏe của bản thân không cho phép mình vượt qua bài thi đó.
Mình được yêu cầu phải ném trúng 3/5 quả bóng vào rổ. Tuy nhiên, do chiều cao hạn chế và bị tâm lý, mình đã chỉ ném trúng hai quả. Mình nghĩ bóng rổ là một môn thể thao đòi hỏi chiều cao, sự luyện tập thường xuyên và thậm chí là cả đam mê nữa. Mà mình thì không có đủ bất cứ yếu tố nào trong số đó".
Bên cạnh đó, tại nhiều trường đại học, cơ sở vật chất để giúp sinh viên tập luyện thể thao cũng chưa thực sự đầy đủ.
Lấy ví dụ như môn bóng rổ, bạn P.T.L.H chia sẻ rằng: "Ở sân tập thể dục, chỉ có khoảng hai, ba rổ bóng nhưng có đến mấy chục sinh viên. Do đó, không phải ai cũng được luyện tập với thời gian tương đương nhau".
Sợ học thể chất vì… thời tiết
Một trong những yếu tố khiến môn giáo dục thể chất trở thành "cơn ác mộng" của nhiều sinh viên đó là thời tiết.
Bạn P.G.H (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng: "Việc đi học vào buổi sáng mùa đông ở Hà Nội đã là một điều khó khăn, học giáo dục thể chất còn khó khăn hơn gấp nghìn lần. Cứ nghĩ đến cảnh 7 giờ sáng phải có mặt ở sân tập thể dục ngoài trời, dưới cái rét hơn 10 độ là mình đã bị ám ảnh rồi".
Với bạn P.D.Q (21 tuổi, Hà Nội), nỗi ám ảnh thực sự lại là học giáo dục thể chất vào mùa hè. "Học thể dục, hay cụ thể hơn là chạy bền dưới cái nắng hơn 30oC là một trong những lý do khiến mình không thể "yêu" môn học này.
Mình đã từng bị mất nước, kiệt sức đến mức ngất đi ở trên sân. Những lúc như thế, mình chỉ muốn được về nhà nhưng lại không dám đi về vì sợ không đủ điều kiện thi cuối kỳ. Tình trạng các bạn nữ bị kiệt sức, ngất xỉu khi học thể dục vào mùa hè giống như mình không hề hiếm gặp.
Chưa kể đến là nhiều khi mình phải học thể dục vào buổi sáng, ca từ 9h30 đến 11h30. Những lúc như thế, mình không còn một chút sức lực nào để học văn hóa trên lớp".